![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjVMewvDi6XPhalppD1IuSvppUEMxj-KEMcjS6emaID6qYA6n3VxyHkprHcKzns1Cqc0q9UlucNFXAWQBWREzl6smdNPzcM8mMGhOgTpbHatXnx7Tu0mT9OAHn58VRqvfHrn8cG3PkX2Qu6/s640/db13.gif)
Đến Chợ Lách Bến Tre tắm cồn và thưởng thức trái cây ngon
Nói đến Chợ Lách của Bến Tre người ta nghĩ ngay đến vùng cây trái nổi
tiếng của Nam Bộ và là vùng nhân giống cây ăn quả lớn nhất cả nước. Tuy nhiên,
du lịch Chợ Lách còn có thú vui hấp dẫn: ra Cồn Tiên tắm bùn.
Cuối tuần
những ngày đầu tháng 5 âm lịch, hàng ngàn người thuê ghe tàu hoặc đi xe gắn máy
vượt cầu, qua đò để đến các cồn ở tỉnh Bến Tre để thưởng thức trái cây. Rất
nhiều loại trái cây đang vào mùa như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn...
Trên 100 vườn trái cây mở cửa đón khách, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng
của Bến Tre Huyện Chợ Lách không chỉ có hội chợ trái cây mà còn có nhiều cồn
bãi giữa sông đáp ứng nhu cầu vui chơi của du khách.![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg-S8e8CEMwAyyz9WBsbM8icZ473HQ8F-peLPy-QmQH0biCbyBYN7uKSF97o4CfoXqUXWpmRlCQv6XLOvjac1zc8CaJpqDTgGPjV1t6mqcv4RwM7pBEIJZQtEGEeZ6AVaS877WgcYZ7urzS/s640/DB6.gif)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg-S8e8CEMwAyyz9WBsbM8icZ473HQ8F-peLPy-QmQH0biCbyBYN7uKSF97o4CfoXqUXWpmRlCQv6XLOvjac1zc8CaJpqDTgGPjV1t6mqcv4RwM7pBEIJZQtEGEeZ6AVaS877WgcYZ7urzS/s640/DB6.gif)
Hội chợ trái cây ở huyện Chợ Lách diễn ra đúng vào dịp Tết Đoan ngọ và
kéo dài 1 tuần. Hội chợ vừa quảng bá, tôn vinh trái cây đặc sản địa phương, vừa
tạo sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Năm nay Tết Đoan ngọ rơi vào cuối tuần,
hứa hẹn hội chợ sẽ rất thú vị. Người khắp nơi kéo về Chợ Lách để thưởng thức
các loại trái cây. Lịch trình cho chuyến đi này từ 1-2 ngày. Xuất phát từ TP
Cần Thơ, du khách qua phà Đình Khao rồi xuôi theo quốc lộ 57 đến huyện Chợ Lách. Trên đường đi, du khách có thể ghé thăm những ngôi nhà thờ xưa với lối
kiến trúc La Mã độc đáo. Đường này nhỏ, trải nhựa phẳng phiu, lưu lượng xe ít.
Khách có thể vừa di chuyển vừa thưởng thức không gian xanh của vùng quê yên
bình. Những vườn hoa bên đường níu chân, khách dừng lại thưởng ngoạn. Ngoài
trái cây, Chợ Lách còn nổi tiếng bởi làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng và
trở thành ngành kinh tế chủ lực ở địa phương. Hội chợ trái cây tổ chức tại
trung tâm huyện Chợ Lách. Hội chợ thu hút nhiều nhà vườn, doanh nghiệp tham gia
trưng bày, quảng bá nông sản. Đi hội chợ du khách có thể thoải mái thưởng thức
trái cây ngon, đặc sản của vùng với giá cả phải chăng và biết thêm các loại
trái lạ, tìm hiểu nghề trồng trái cây của người dân địa phương.
Hành trình tiếp tục đưa du khách đến Nhà vườn Ba Ngói ở xã Vĩnh Bình,
huyện Chợ Lách. Cơ ngơi nhà vườn này rộng khoảng 1 hécta, trồng 2 loại cây phổ
biến là sầu riêng và chôm chôm. Ngoài tham quan vườn cây khách được xuống xuồng
ra sông Cổ Chiên để xem hoặc tham gia khai thác ốc gạo và mặc sức hít thở khí
trời sau một đoạn đường dài ngồi trên xe.
Khu bảo tồn ốc gạo Phú Đa nằm trên dòng sông Cổ Chiên trù phú. Các cụ
cao niên nơi đây kể lại, trước đây, người dân vùng cù lao này nghèo lắm, nên
người dân mới đặt tên cồn là Phú Đa, với mong muốn đa số người dân sẽ khấm khá
lên. Vùng này nhiều ốc vô kể, cho nên người dân nghèo hồi xưa thường cào về ăn
thay cơm. Ăn mãi cũng ngán nên đã đem ốc đó đến các gia đình giàu có trong vùng
để đổi lấy gạo ăn. Thế là từ xưa đã hình thành “thương hiệu” ốc gạo Phú Đa. Bà
con ở cồn cho biết: không có lúc nào ốc gạo lại lớn, mập và béo bằng vào tháng
5 âm lịch hàng năm, tức là những ngày trước và sau Tết Đoan ngọ. Mỗi năm cứ tới
ngày này, người dân nơi đây lại cào lên những mẻ ốc to nhất, béo nhất làm các
món ăn cúng bái để tỏ một chút lòng thành kính đối với trời đất. Ai đã một lần
đặt chân đến vùng đất này, đều bỏ chút thời gian ghé qua xứ cồn, ngồi nhâm nhi
những món ăn làm từ ốc gạo Phú Đa.
Đến với Chợ Lách mà không ra Cồn Tiên tắm bùn là thiếu đi niềm thú vị.
Điểm độc đáo Cồn Tiên chỉ nổi mỗi năm một lần đúng ngay Mùng 5 Tháng 5 âm lịch.
Tương truyền, xưa các vị tiên thường xuống hạ giới chơi vào dịp Tết Đoan ngọ và
giáng xuống cồn này để tắm và ngắm cảnh. Thế nên, cồn chỉ nổi vào dịp này để
các vị tiên vui chơi. Mực nước ở Cồn Tiên xuống thấp chỉ ngang đầu gối hay
ngang lưng quần, nhìn thấy bãi cát vàng mịn, bùn ít, không lún, nên mọi người
rủ nhau xuống tắm, rồi đặt cho Cồn Tiên là “Vũng Tàu 2”.
Nhiều năm qua, cứ đến Mùng 5 Tháng 5 âm lịch, không chỉ người dân địa
phương mà người dân ở các vùng lân cận cũng đổ về Cồn Tiên. Tất cả những người
du chơi Cồn Tiên đều bằng ghe xuồng. Có ghe lớn chở khách, có xuồng nhỏ chở
hàng từ khắp nơi được huy động về làm náo động cả cồn. Có ghe lớn còn mang theo
cả trống, đàn ra hội cồn chơi văn nghệ. Ngoài bãi cát giữa sông, hàng ngàn nam
thanh, nữ tú tắm sông, đùa giỡn, hát ca dưới sông như trên sân khấu nước. Những
bạn trẻ hiếu động chở đầy bùn trên ghe, họ trét bùn đầy người như đi tắm bùn,
lấy đất bùn ném vào nhau mà không ai phiền hà. Mọi người vui chơi, tắm sông, ăn
uống, đến nước lớn, khi bãi cát bị dìm trong nước sông thì ai nấy ra về.