Ấn tượng qua từng chuyến đi - và hơn thế nữa...

Translate

LỮ HÀNH QUỐC TẾ AN PHA

Tour Phổ Biến

XỨ DỪA BẾN TRE

Từ lâu Bến Tre còn được gọi với một cái tên rất thân thương đó là "xứ dừa", cây dừa Bến Tre đã từng được nhắc tới trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc,thơ văn...Bến Tre từng được xem là một tỉnh nghèo của Miền Tây Nam Bộ, tuy nhiên hiện nay Bến Tre đã phát triển không ngừng và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Mũi nhọn kinh tế của Bến Tre là nông-ngư nghiệp. Thế mạnh về du lịch của Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên, sông nước hữu tình với cửa Đại - cửa sông lớn nhất của 9 nhánh Cửu Long, có hai chiều nước chảy, với cửa Hàm Luông mênh mông bát ngát; nhiều cồn, bãi đất phù sa mới bồi tụ, đất tốt, trồng cây ăn trái sum suê, không khí mát mẻ trong lành, yên tĩnh.
Cầu Rạch Miễu 
  Cầu Rạch Miễu

Những vườn cây ăn trái tại Bến Tre luôn hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước

Những vườn cây ăn trái tại Bến Tre luôn hấp dẫn 
khách du lịch trong và ngoài nước


Cồn Phụng án ngữ ở cửa ngõ vào 
Bến Tre  nơi đây đã sừng sững một chiếc cầu dây văng do chính bàn tay của những kỹ sư, công nhân Việt Nam thi công, thay thế cho những chuyến phà Rạch Miễu đã vận hành từ bao đời nay. Cồn Phụng nằm trong quần thể tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng) đều là các khu du lịch sinh thái. Cồn Phụng từng là thánh địa của giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam.

    Nét riêng có của miệt vườn Bến Tre đáng kể như chợ Chanh ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm. Đây là chợ mua bán chanh độc nhất vô nhị ở ĐBSCL. Hay làng cây kiểng, cây giống Cái Mơn ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, với nhiều giống cây trái ngon, cây kiểng quý hiếm được ươm trồng, nhân giống, trồng khắp cả nước và xuất khẩu. Sân chim Vàm Hồ ở xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri; bãi nuôi tôm, nghêu, cua ở 3 huyện vùng ven biển; rừng ngập mặn ven 4 nhánh sông mẹ Cửu Long. Đậm nét nhất, Bến Tre được mệnh danh là quê dừa, là xứ dừa nên nhiều du khách thấy dừa thì nhớ Bến Tre.

Kẹo dừa-đặc sản nổi tiếng của Bến Tre

Kẹo dừa-đặc sản nổi tiếng của Bến Tre



Mứt dừa còn là sản phẩm nổi tiếng của Bến Tre

Mứt dừa còn là sản phẩm nổi tiếng của Bến Tre


Đặc sản của 
Bến Tre có nguồn gốc từ mảnh vườn, thửa ruộng, dòng sông chở nặng phù sa. Các sản phẩm từ dừa, nổi bật là kẹo dừa vừa ngọt béo vừa thanh; các loại trái cây chôm chôm, bòn bon, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng, xoài cát danh tiếng. Những hoạt động mua bán cây con giống, hàng đặc sản theo chu kỳ con nước lớn ròng, theo mùa vụ, thời tiết kéo theo các dịch vụ khác làm cuộc sống thường nhật của người dân Bến Tre tươi tắn, rộn rịp.

Một góc Cồn Phụng

Một góc Cồn Phụng

Bến Tre là còn là vùng đất mới, được những lưu dân Việt đến khai phá và định cư trên 3 thế kỷ, nên các di tích được xếp hạng cấp quốc gia đều thuộc giai đoạn cận đại và hiện đại. Đó là các di tích: Nhà thờ và mộ của nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc nửa sau thế kỷ 19 Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) ở xã An Đức, huyện Ba Tri. Ba ngôi đình làng: Đình làng Phú Lễ ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri; đình làng Bình Hòa nay thuộc thị trấn Giồng Trôm và đình làng Tân Thạch ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, đều được xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Khu mộ của Sùng Đức Võ Trường Toản, nhà giáo tiêu biểu của đất Nam Kỳ, có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước ở thế kỷ 18 tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Mộ và đền thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), thuộc thế hệ tham gia chống Pháp đầu tiên của Bến Tre  hy sinh trong trận đánh ở Gò Công (17-6-1866), xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bến Tre (tháng 4-1930) tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm trong khoảng thời gian từ năm 1955-1956, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ - Lê Duẩn đã ẩn náu bí mật để chỉ đạo phong trào, đồng thời dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Khu căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thời chống Mỹ, mang mật danh Y.4 ở xã Tân Phú, huyện Mỏ Cày. Chùa Tuyên Linh, nơi nhà sư yêu nước Lê Khánh Hòa đã trụ trì 39 năm và cũng là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh có thời gian ở đây cùng đàm đạo việc nước với sư Lê Khánh Hòa. Sư Lê Khánh Hòa là hội trưởng Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội, ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày. Chiếc nôi Đồng Khởi của tỉnh Bến Tre  cũng là của phong trào cách mạng miền Nam ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày (17-01-1960). Đầu cầu tiếp nhận vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển, ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
    Với bao chiến tích, di tích truyền thống lịch sử, 
Bến Tre được mệnh danh là địa linh nhân kiệt. Hãy một lần đến với xứ dừa Bến Tre